Nguồn gốc phong thủy phát Đế nhà Trần

Giai thoại về ngôi huyệt phát tích nhà Trần

Hiện nay, tư liệu còn lưu lại hai thuyết chính nói về ngôi huyệt phát tích nhà Trần. Một thuyết nói rằng, ngôi huyệt phát kết là do thầy phong thủy Tàu đặt đất. Thuyết nữa thì nói rằng ngôi huyệt do thầy phong thủy bí ẩn người Việt tìm thấy. Vậy thầy phong thủy nào trong số hai người trên mới đích thực là “chân nhân”, góp phần tạo nên một trong những vương triều lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử?

Vương triều Trần là một vương triều có cơ nghiệp lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh, chống ngoại xâm ở nước ta. Cũng như hầu hết các vương triều khác, sự hình thành của nhà Trần luôn gắn liền với những giai thoại mang đậm màu sắc liêu trai. Nhưng có lẽ, đây là triều đại mà truyền thuyết hình thành có nhiều tranh cãi nhất và thú vị nhất.

Vùng đất phát tích nhà Trần thuộc lưu vực sông Phổ Đà (tức sông Luộc) và nằm trên địa phận thôn Lưu Gia (thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Tương truyền lúc bấy giờ, hai dòng họ nổi tiếng nhất sinh sống ở đây là họ Lý và họ Tô. Họ Trần mãi sau này mơi đến định cư và kết giao được với họ Tô thông qua đám cưới giữa Trần Lý với người con gái họ Tô. Giai thoại dân gian kể rằng, Trần Lý có một người bạn vốn là một thầy địa lý rất giỏi, được dân chúng gọi là thầy Phùng. Vốn là một người sành sỏi trong nghề, lại thường xuyên đi khắp nơi tìm đất đặt mộ nên thầy Phùng biết ở thôn Lưu Gia này có ngôi huyệt quý.

Địa thế phong thủy này được tác giả Đinh Công Vĩ ghi lại trong cuốn Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam như sau: “Tổ sơn bắt nguồn từ đoạn giao giữa ba ngọn núi chồng lên nhau, lấy Tam Đảo làm gốc rồi cùng với ba ngọn Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị chụm lại. Long mạch của nó chạy theo hướng Đông Bắc -Tây Nam, thấp dần rồi chìm qua sông Thiên Đức (tức sông Đuống), đến làng Hà Liễu của châu Đằng (hiện chưa rõ địa điểm này ở đâu) mới đột khởi nổi lên một ngọn núi khác. Rồi từ đấy, long mạch lại chạy tiếp từ làng Nhật Cảo đến làng Thái Đường (xã Thái Đường, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) và kết lại ở gò Sao. Phía trước gò ấy có 3 gò lớn là Tam thai, phía sau có 7 gò nhỏ là Thất tinh, xung quanh có đầm nước bao bọc, khi mặt trời soi tới thì mặt đầm sáng như gương phản chiếu, đối mặt với các cù lao nhỏ hình đẹp như những bông sen đang nở, đấy là một trong 27 kiểu đất hậu sinh phát đế”.

Là người thức thời lại am hiểu lý dịch, thầy Phùng biết vận nhà Trần sắp tới nên nói với Trần Lý biết chuyện này và khuyên Trần Lý nên dời mả tổ về chôn tại đây. Vào một ngày lập thu, Trần Lý dời mộ tổ từ Tức Mặc (Nam Định) về táng tại gò Sao, công việc hoàn tất đúng chính giờ Hợi (tức 22h đêm). Xong xuôi, trên mộ được san phẳng y như cũ để không lộ ra dấu vết. Những người tham gia cải táng đêm hôm đó tất cả là người họ Trần. Người ngoại tộc duy nhất có mặt đêm đó là thầy Phùng nên chỉ mình thầy biết chuyện. Tương truyền, thầy Phùng khi biết vận nhà Trần sắp tới bèn kể câu chuyện với con trai mình tên là Phùng Tá Chu để biết liệu thời thế. Quả nhiên sau này, Phùng Tá Chu đã giúp sức đưa Trần Cảnh (cháu nội Trần Lý) lên ngôi và lập nên nhà Trần từ đó.

Phùng Tá Chu vốn là một nhân vật lịch sử có thật, quê ở Phụng Thiên (nay là làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông là quan Thái phó vào cuối đời Lý. Sau ông giúp nhà Trần lấy được ngôi (chuyện này được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại), và được nhà Trần trọng dụng phong làm Hưng Nhân vương và được liệt vào các đệ nhất công thần lập quốc. Được biết, cha Phùng Tá Chu là một vị cư sĩ nổi tiếng tên Phùng Tá Thang, gốc người Lý Nhân (Hà Nam ngày nay) sau dời sang làng Mỹ Xá (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đối chiếu giữa giai thoại và cứ liệu lịch sử thì thầy Phùng nổi tiếng nói trên rất có thể tên là Phùng Tá Thang. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép rằng, Phùng Tá Thang được nhà Trần phong chức Tả Nhai, là phẩm cao nhất của những người theo đạo Phật lúc bấy giờ chứ không thấy đề cập tới những sự kiện được giai thoại dân gian kể lại.

Leave Comments

0945071255
0945071255